Trang chủTin tức → Làm đẹp báo cáo tài chính: Đừng dùng “Hình thức” lấn át “bản chất”

Tin tức

Làm đẹp báo cáo tài chính: Đừng dùng “Hình thức” lấn át “bản chất”

Đăng lúc: 21-02-2016 09:02:50 PM - Đã xem: 9724

Vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL) giải trình

duoc cuu long lam dep bctc

Vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL) giải trình những vấn đề nêu tại bài viết “Hai câu hỏi lớn về Dược Cửu Long” đăng trên báo Đầu tư Chứng khoán ngày 9.7.2014. Bài báo đã đưa ra một giao dịch lòng vòng khép kín của DCL, giúp công ty này tránh nợ xấu.

Theo miêu tả của giao dịch trên, DCL có thể đã tạo ra một vòng tròn khép kín của một lô hàng hóa luân chuyển từ DCL sang Công ty An Tâm, sau đó chuyển sang một công ty con của DCL là VPC Sài Gòn và cuối cùng lại chuyển về DCL chỉ trong khoảng thời gian 3 ngày (từ 7-9.12.2013). Theo công văn gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngày 10.7, DCL giải trình rằng đây là nghiệp vụ kinh doanh bình thường, góp phần điều hòa nguồn tài chính, luân chuyển hàng hóa và giúp Công ty giảm chi phí tài chính.

Nếu giao dịch trên thực sự phát sinh, nhà đầu tư có thể thấy trong giao dịch này một lượng hàng cùng giá trị được bán lòng vòng qua nhiều công ty rồi được mua lại bởi chính DCL trong một khoảng thời gian ngắn. Nhà đầu tư có thể tưởng tượng rằng lô hàng đó có thể vẫn nằm trong kho của DCL và chỉ có những bộ hồ sơ mua bán hàng hóa được luân chuyển từ DCL sang Công ty An Tâm, sang VPC Sài Gòn và quay trở lại chính DCL.

Nguyên tắc “Bản chất hơn hình thức” của giao dịch

Trong kế toán có nguyên tắc “bản chất hơn hình thức” (Substance over form). Nguyên tắc này có nghĩa là một giao dịch phát sinh phải được ghi nhận dựa trên bản chất của giao dịch đó thay vì hình thức pháp lý của nó. Hình thức pháp lý ở đây nói đến bộ hồ sơ chứng từ có thể bao gồm hợp đồng kinh tế, hóa đơn tài chính, biên bản giao nhận, thanh lý hợp đồng… chứng minh cho việc giao dịch đã phát sinh.

Theo nguyên tắc này, kế toán cần phải đưa ra xét đoán chuyên môn của mình để đánh giá và nhận biết bản chất của giao dịch, từ đó ghi nhận trong báo cáo tài chính một cách phù hợp.

Trong một giao dịch mua bán hàng hóa lòng vòng khép kín (tức người bán đồng thời là người mua lại hàng hóa ở điểm cuối cùng của vòng tròn), nếu áp dụng ngược lại nguyên tắc này, có nghĩa là dùng “hình thức” để lấn át “bản chất” thì doanh nghiệp bán có thể dựa trên những bộ hồ sơ chứng từ để ghi nhận tăng doanh thu hàng hóa bán ra, đồng thời ghi tăng khoản phải thu với cùng một giá trị. Như thế, cả doanh thu lẫn tổng tài sản của doanh nghiệp bán đều được ghi tăng và có thể tạo một bức tranh đẹp hơn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của công ty.

Nếu áp dụng đúng nguyên tắc “bản chất hơn hình thức”, các giao dịch mua bán này sẽ không đủ điều kiện ghi nhận doanh thu trong báo cáo tài chính.

Cũng liên quan đến nguyên tắc “bản chất hơn hình thức”, Đoạn 8, Chuẩn mực kế toán số 14 có quy định: “Khi hàng hóa hoặc dịch vụ được trao đổi để lấy hàng hóa hoặc dịch vụ tương tự về bản chất và giá trị thì việc trao đổi đó không được coi là một giao dịch tạo ra doanh thu” .

Đồng thời, Đoạn 9 của Chuẩn mực kế toán số 14 quy định: “Tiêu chuẩn nhận biết giao dịch còn được áp dụng cho hai hay nhiều giao dịch đồng thời có quan hệ với nhau về mặt thương mại. Trường hợp này phải xem xét chúng trong mối quan hệ tổng thể. Ví dụ, doanh nghiệp thực hiện việc bán hàng và đồng thời ký một hợp đồng khác để mua lại chính các hàng hóa đó sau một thời gian thì phải đồng thời xem xét cả hai hợp đồng và doanh thu không được ghi nhận”.

Như vậy, nếu xét về mặt bản chất, các giao dịch mua bán lòng vòng dường như không đủ điều kiện ghi nhận doanh thu theo Chuẩn mực kế toán số 14. Tuy nhiên, trên thực tế, thật không dễ dàng đối với chính kế toán của doanh nghiệp hay công ty kiểm toán khi xác định thế nào là những giao dịch đồng thời có quan hệ với nhau về mặt thương mại.

Có thể nói nguyên tắc “bản chất hơn hình thức” giúp cho kế toán phản ánh và trình bày báo cáo tài chính một cách trung thực và hợp lý khi phản ánh bản chất của các giao dịch kinh tế phát sinh mà không dựa vào hồ sơ chứng từ. Trong thực tế hành nghề kế toán, có một tỉ lệ lớn các hồ sơ chứng từ kế toán do nội bộ doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp tạo ra như hóa đơn tài chính, hợp đồng kinh tế, biên bản bàn giao… Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để cung cấp các bộ chứng từ, tạo ra những giao dịch kế toán không đúng bản chất nhằm tác động đến số liệu trên báo cáo tài chính theo ý muốn. Vận dụng tốt nguyên tắc “bản chất hơn hình thức” sẽ giúp nhà quản lý tài chính và kiểm toán viên phát hiện và ngăn chặn những giao dịch dựa trên “hình thức” này.

Từ Bài học ENRON

Trên thế giới đã có nhiều bài học nổi tiếng khi các công ty áp dụng kỹ thuật dựa vào hình thức pháp lý để che giấu bản chất của giao dịch nhằm làm đẹp báo cáo tài chính. Điển hình là vụ gian lận kế toán của Enron bị vỡ lở vào năm 2002, dẫn đến sự sụp đổ của tập đoàn này và đặc biệt trở thành một trong những sự kiện gian lận kế toán có tác động lớn nhất làm thay đổi ngành kế toán, kiểm toán một cách sâu rộng.

Enron đã tạo ra “các đơn vị có mục đích đặc biệt” để ghi tăng doanh thu ảo, giấu lỗ và các khoản nợ vào các đơn vị này. Cụ thể, Tập đoàn đã ghi nhận doanh thu đối với các giao dịch bán hàng lòng vòng giữa các đơn vị có mục đích đặc biệt cũng như ghi nhận doanh thu dựa trên tổng giá trị khí gas bán cho khách hàng thay vì dựa trên bản chất của giao dịch là kênh trung gian hưởng hoa hồng chênh lệch. Với doanh thu báo cáo đạt 101 tỉ USD vào năm 2000, Enron đã trở thành 1 trong 500 công ty lớn nhất thế giới tại thời điểm đó, tạo nên một hình ảnh sức mạnh tài chính khổng lồ cho Tập đoàn trước các đối tác và nhà đầu tư.

Một trường hợp khác là ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers. Sự đổ vỡ của ngân hàng này vào tháng 9.2008 đã khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Gần 1 năm sau sự kiện này, các nhà điều tra phát hiện Lehman Brothers đã sử dụng nghiệp vụ bán tái mua Repo 105 để giảm hệ số nợ, tăng khả năng thanh khoản của Ngân hàng. Trong đó, Lehman Brothers đã hạch toán tăng doanh thu theo hình thức của nghiệp vụ bán tái mua thay vì hạch toán nợ ngắn hạn đúng theo bản chất của Repo 105 là một giao dịch tài trợ vốn ngắn hạn.

Lehman Brothers đồng thời dùng tiền tạm thu từ Repo 105 để trả và ghi giảm khoản phải trả ngắn hạn nhằm tăng khả năng thanh khoản. Như vậy, chỉ với việc ghi nhận các giao dịch Repo 105 theo “hình thức” thay vì “bản chất”, Lehman Brothers đã tăng thanh khoản, tăng doanh thu không có thật cho Ngân hàng.

Tại Việt Nam, cách đây 2 năm, sau khi bắt giam Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dược Viễn Đông (DVD), cơ quan điều tra đã phát hiện DVD đã tạo ra hàng loạt các công ty để mua bán lòng vòng, nâng khống doanh thu ảo lên gấp nhiều lần doanh thu thật nhằm tạo ra bức tranh tài chính rất sáng sủa. Với con số doanh thu ấn tượng, DVD có thể nâng thị giá cổ phiếu, thu hút vốn đầu tư cũng như thu hút nhân sự cao cấp về làm việc.

Theo một số nghiên cứu quốc tế, xét ở khía cạnh nào đó, những hoạt động tác động đến số liệu báo cáo tài chính thông qua ghi nhận các giao dịch dựa vào hình thức pháp lý thay vì bản chất kinh tế có thể tạo ra giá trị cho cổ đông trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, phần nhiều các doanh nghiệp áp dụng thái quá hoạt động này đều có kết cục không mấy tốt đẹp. Và khi đó, người chịu thiệt hại lớn nhất chính là cổ đông.

Phan Lê Thành Long